Sơ lược về lịch sử và kiến trúc của di tích Đình - Chùa Xa Vỹ, thôn Xa Vỹ, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng
Đình, chùa Xa Vỹ nằm trên địa bàn xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 12 km.
Đình Xa Vỹ là nơi tôn thờ danh tướng Liêm Bồ, người có công phù vua Lê Đại Hành đánh giặc. Liêm Bồ Đại Vương là con của người cha họ Lý, mẹ họ Phùng quê gốc ở làng Cổ Pháp, đạo Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Khi nhà Tống xâm lược nước ta, vua Lê ban chiếu chiêu mộ nhân tài văn võ đi đánh giặc. Liêm Bồ mộ được hơn hai nghìn hương binh đến ứng tuyển. Vua Lê đã phong cho Liêm Bồ làm chỉ huy sứ tướng quân, khi hành quân đến khu Xa Vỹ, trang Tiên Minh xưa, ông có thư triệu ông về kinh đô, hợp quân đi đánh giặc. Sau khi đất nước thái bình, vua Lê Đại Hành đã ban cho Liêm Bồ trở về thực ấp ở đại Kinh Bắc, trên đường trở về ngày 15/11, ông hóa sau một cơn mưa lớn. Nhà vua nghe tin đã ban chiếu lệnh, hễ nơi nào được ông nhận là thần tử đều phụng thờ ông.

Đình Xa Vỹ được Nhân dân địa phương xây dựng có bố cục mặt chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung với trang trí trên mái tiền đường, rồng chầu mặt trời bộ cửa gỗ lắp đặt tại trung tâm, hai chái bên cùng mái ngói đầu đao cho thấy đình đã được trùng tu nhiều lần song vẫn đảm bảo thẩm mỹ và kỹ thuật cao.
Hiện tại, đình còn lưu giữ 14 bản sắc phong cổ thuộc các đời vua Lê Trung Hưng, Nguyễn ban tặng vị thần làng Xa Vỹ. Mặc dù ngôi đình đã nhiều lần tôn tạo do thiên tai, chiến tranh tàn phá song nghi vệ thờ cúng Thành hoàng cùng sưu tập sắc phong cổ vẫn được dân làng bảo quản chu đáo.
Chùa Xa Vỹ (tên chữ Phúc Quang tự) được hình thành từ nửa cuối thế kỷ XVII, do thời gian, chiến tranh tàn phá, chùa được trùng tu nhiều lần, đến năm 2006 hoàn chỉnh như hiện nay. Chùa Xa Vỹ là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân địa phương.
Chùa Xa Vỹ có kết cấu mặt chữ Đinh, theo kiến trúc thời nhà Nguyễn, vì nóc mái kết cấu kiểu thuận chồng - giá chiêng, nằm trên diện tích gần 4000 m2. Di vật còn lưu giữ tại chùa: Thạch đài trụ, bia đá hình trụ, khánh đá, chuông đồng, 1 đôi sấu đá…
Lễ hội truyền thống được tổ chức tại di tích: Lễ hội đình vào ngày 10 tháng 2, ngày 14 tháng 11, tế Kỳ an 13, 14 tháng 1, Kỳ phúc 16-18/11; hội chùa vào các ngày giỗ kỵ sư tổ (ngày 14/1, 15/5), ngày đại lễ chung của Phật giáo như lễ phật đản (15/4).

Đình, chùa Xa Vỹ là công trình văn hóa cổ truyền của Nhân dân địa phương, là nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống, nghệ thuật, một địa điểm giáo dục về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ trẻ.
Ngày 30 tháng 5 năm 2008, Uỷ ban nhân dân thành phố ra quyết định số 886-QĐ/UBND công nhận đình, chùa Xa Vỹ là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố.